Khi nào thì thương thảo hợp đồng không thành công?

Thứ tư, 22 Tháng Ba 2023 8:00 SA
Thương thảo hợp đồng là bước quan trọng làm cơ sở bên mời thầu đề nghị nhà thầu trúng thầu. Nhà thầu được mời thương thảo hợp đồng rất đáng quý và trân trọng vì cơ bản đã vượt qua các bước đánh giá và xếp hạng. Vậy có trường hợp nào thương thảo hợp đồng không thành công hay không? Hãy cùng DauThau.info phân tích với bài viết dưới đây.

Thương thảo hợp đồng được thực hiện trước khi trúng thầu

Khi Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ra đời ngày 26/11/2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ (gọi là Luật Đấu thầu 2013), một trong những thay đổi căn bản so với Luật đấu thầu 2005 đó là đưa bước thương thảo, hoàn thiện hợp đồng trước khi trình duyệt kết quả đấu thầu. Việc đưa quy trình thương thảo hợp đồng trước khi có quyết định trúng thầu đã khắc phục cơ bản những tồn tại như đã nói ở bài viết Tầm quan trọng của thương thảo hợp đồng trong đấu thầu, khiến cho cuộc thương thảo trở nên đúng ý nghĩa, đồng thời phù hợp với thông lệ trên thế giới đang thực hiện.

3 nguyên tắc cần nắm chắc trong thương thảo hợp đồng

Để thương thảo hợp đồng, chúng ta cần nắm chắc 3 nguyên tắc đó là:
  • Tất cả những nội dung mà nhà thầu đã chào theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì mặc nhiên được công nhận, kể cả về giá. Trước đây thường có câu chuyện "ép" nhà thầu giảm giá tại bước thương thảo, nhưng rõ ràng ở đây để tránh tình trạng đó thì câu chuyện về giảm giá không được nhắc tới, thậm chí còn "không được" quy định ở khoản dưới, tất nhiên trừ trường hợp nhà thầu "tự nguyện" nhưng chắc ít có nhà thầu nào lại dại dột đi tự nguyện!
  • Đơn giá sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch đã được nhà thầu chấp nhận (ở bước Bên mời thầu thông báo kết quả sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch) thì không được thay đổi. Đồng nghĩa với việc không thay đổi giá thực hiện, không có chuyện yêu cầu hay ép giảm giá như nêu ở điểm trên.
  • Liên quan đến khối lượng thừa thiếu, đây là bước quan trọng để các bên rà soát lại một lần nữa để có cơ hội bổ sung, tránh dẫn đến tình trạng sau này khi thực hiện hợp đồng mới phát hiện những thừa thiếu, rồi thủ tục bổ sung, phát sinh rất phức tạp, đôi khi thực hiện không đúng toàn bị các cơ quan thanh tra, kiểm toán bắt lỗi và xuất toán, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều vấn đề, thậm chí có khi còn dính dáng đến cả pháp luật. Bước này lại càng quan trọng hơn với những hợp đồng trọn gói, các nhà thầu phải xem xét cân nhắc kỹ hồ sơ mời thầu và các tài liệu kèm theo, rà soát khối lượng, các yêu cầu kỹ thuật chi tiết so với khối lượng mời thầu, nếu phát hiện thiếu chỉ được bổ sung ở bước này. Đối với một số khối lượng thừa thiếu do nhà thầu đã phát hiện trước đó và đề xuất trong hồ sơ dự thầu, tại bước này cũng cần thương thảo đối với nội dung này để khi thực hiện triển khai hợp đồng không còn những phát sinh, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ cũng như tài chính và các yếu tố khác.
Cần nắm chắc 3 nguyên tắc thương thảo hợp đồng

Khi nào thương thảo hợp đồng không thành công?

Thông thường ở bước thương thảo hợp đồng, để các bên thống nhất là thương thảo không thành công cũng sẽ rất khó bởi lẽ gần như hồ sơ mời thầu đã được chuẩn hóa, các thông tin đã được công khai, minh bạch rõ ràng. Ngay từ khi tham dự thầu, nếu nhà thầu còn có nội dung nào chưa thực sự rõ ràng thì đã phải thực hiện yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu, do đó ở bước thương thảo khó có thể viện vào lý do nào đó mà không thành công.
Thương thảo không thành công thường chỉ xoay quanh mấy vấn đề sau:
  • Bản thân trong hồ sơ mời thầu có nội dung mâu thuẫn (thường về vấn đề kỹ thuật), mà ở bước tham dự thầu các bên không phát hiện ra, nhà thầu thì thực hiện chào theo tiên lượng và chỉ dẫn kỹ thuật của hồ sơ mời thầu.
  • Trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, thường liên quan đến giao diện của phạm vi công việc.
  • Các đề xuất do nhà thầu phát hiện sai lệch không được chấp nhận, vì một lý do nào đó mặc dù các đề xuất này là hợp lý và khả thi.
  • Thay đổi nhân sự đề xuất của nhà thầu khi quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu bị kéo dài, các nhận sự của nhà thầu có biến động hoặc bố trí công việc khác.
  • Các vấn đề phát sinh khác được cho là nằm ngoài các quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu nhằm mục tiêu hoàn thiện gói thầu.
*** Lưu ý: Trường hợp thương thảo không thành công thì bên mời thầu sẽ báo cáo chủ đầu tư mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo. Nếu các bên thống nhất thương thảo không thành công mà không phải do lỗi từ nhà thầu thì nhà thầu sẽ không bị tịch thu bảo lãnh dự thầu và bị đánh giá về uy tín khi tham dự thầu ở các gói thầu khác (nếu có).

Bài viết trên chúng tôi đã phân tích khi nào thì thương thảo hợp đồng không thành công và lưu ý gì khi thương thảo không thành công. Hy vọng bài viết có ích cho các nhà thầu lẫn bên mời thầu còn đang băn khoăn về vấn này. DauThau.info luôn đồng hành và mang đến nhiều những thông tin bổ ích cho các nhà thầu quan tâm, trường hợp cần hỗ trợ vui lòng liên hệ:

Tác giả: Son Vu

Bài viết này của DauThau.info được cấp phép theo giấy phép dữ liệu mở Creative Commons CC-BY (cho phép sử dụng toàn quyền nhưng phải ghi công tác giả, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ ban đầu) trừ trường hợp được cấp phép riêng sẽ được ghi rõ trong tài liệu. Sử dụng lại các nguồn từ DauThau.info cần ghi rõ bản quyền!

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

aztest thi trac nghiem cho nhan vien
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây