Thông tin liên hệ
- 0904.634.288, 024.8888.4288
- contact@dauthau.asia
- Facebook Fanpage: http://fb.com/dauthau.info
- Messenger: http://m.me/dauthau.info
Thông thầu là hành vi gian lận trong đấu thầu, cụ thể căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 89 Luật đấu thầu 2013 những hành vi sau đây sẽ được xem là thông thầu, cụ thể:
“a) Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;
b) Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu;
c) Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.”
Đối với những trường hợp thông thầu pháp luật sẽ xử lý thế nào là một trong những điều được rất nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm. Dưới đây là một số cách xử lý khi có cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm thông thầu, cụ thể:
Theo Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP có quy định cụ thể đối với mức xử phạt hành chính đối với tổ chức khi có hành vi thông thầu sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng với một trong các hành vi thông thầu mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Còn đối với cá nhân, nếu vi phạm thông thầu sẽ bị xử phạt bằng ½ lần mức xử phạt so với mức xử phạt của tổ chức.
Theo luật đấu thầu 2013 thông thầu là hành vi vi phạm pháp luật và bị cấm, nếu tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi thông thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định. Cụ thể thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu được quy định tại Khoản 3 Điều 90 Luật đấu thầu 2013.
Với những trường hợp vi phạm thông thầu nghiêm trọng, người thực hiện hành vi thông thầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây ra hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) với hình phạt lên đến 20 năm tù, cụ thể như sau:
“Người nào thực hiện hành vi thông thầu, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi thông thầu mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
Vì vụ lợi
Có tổ chức
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt
Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.”
Ngoài hình phạt trên, người phạm tội còn bị cấm đảm nhận chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản liên quan.
Hình thức xử phạt kỷ luật sẽ được áp dụng đối với các cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật đấu thầu 2013 có quy định, trường hợp có bằng chứng về thông thầu để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thì sẽ bị hủy thầu.
Tại Khoản 1 Điều 123 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, hủy thầu chính là biện pháp thuộc người có thẩm quyền, chủ đầu tư và bên mời thầu cần đưa ra để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động đấu thầu bằng cách ban hành quy định hủy thầu.
“Người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình; Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước;
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình đối với những trường hợp do người có thẩm quyền đề nghị theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu 2013;
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước đối với những trường hợp do người có thẩm quyền đề nghị theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu 2013.”
Lâu nay, trong đấu thầu câu chuyện “thông thầu” giữa nhà thầu và chủ đầu tư/bên mời thầu luôn là câu chuyện đau đầu không những của các nhà làm luật (Quốc hội, Chính phủ, Bộ ban ngành) mà còn là của các nhà thầu thực sự có năng lực, kinh nghiệm muốn tham gia vào “mỏ vàng” các gói thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia. Để hiểu hay nhạy cảm phát hiện ra điều này đòi hỏi chúng ta cần có kinh nghiệm và xử lý vấn đề đó như thế nào vì hiện nay chúng ta biết quan điểm của Chính phủ là rất quyết liệt trong công tác chống gian lận thông thầu, nhiều hiện tượng thông thầu đã bị đẩy lùi, môi trường đấu thầu ngày càng công bằng hơn, đặc biệt nhiều Chủ đầu tư/Bên mời thầu hiện nay rất sợ liên quan đến những vấn đề hạn chế sự tham gia của các nhà thầu trong khi xây dựng Hồ sơ mời thầu (HSMT).
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về trường hợp thông thầu DauThau.info đã đưa ra ví dụ cụ thể trong bài viết: Thông thầu - Dấu hiệu bất thường cho thấy có sự thông thầu bạn có thể tham khảo.
Mới đây, một trong những ví dụ điển hình về hành vi thông thầu được báo đài đăng tin là vụ việc Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã xây dựng quy trình 70 bước để thông thầu và gian lận trong đấu thầu y tế gây xôn xao dư luận. Quá trình thông thầu được thể hiện rõ ở bước 19 và bước 26 theo cách vận hành 70 bước gian lận đấu thầu thiết bị y tế của Chủ tịch AIC.
Qua bài viết trên có thể thấy thông thầu là một trong những hành vi vi phạm pháp luật và được pháp luật cấm triệt để. Việc cố tình gây nên tình trạng thông thầu có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng, làm mất đi tính minh bạch công bằng về kết quả đấu thầu. Do đó, những hành vi thông thầu sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm nếu vi phạm.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
Tác giả: Hồ Thị Linh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn