Bảo lãnh dự thầu là một tài liệu vô cùng quan trọng, tuy nhiên rất nhiều nhà thầu khi chuẩn bị vẫn hay vấp phải một số lỗi gây nên sự tranh cãi về tính hợp lệ của bảo đảm dự thầu. Trường hợp chúng tôi gặp dưới đây là ghi sai địa chỉ của bên mời thầu, hãy cùng DauThau.info phân tích với tình huống trong bài viết dưới đây.
Bảo lãnh dự thầu là gì?
Bảo lãnh dự thầu (hay còn gọi là "Bảo đảm dự thầu") là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Đối với đấu thầu qua mạng (đa số các gói thầu hiện nay) chỉ cho phép thực hiện Bảo lãnh dự thầu bằng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng, bảo lãnh được quét (scan/chụp) và đính kèm gửi lên hệ thống đấu thầu quốc gia.
6 trường hợp bảo lãnh dự thầu không hợp lệ
Bảo lãnh dự thầu không hợp lệ khi rơi vào 1 trong 6 trường hợp sau đây:
Có giá trị thấp hơn yêu cầu trong thông báo mời thầu;
Thời gian có hiệu lực ngắn hơn so với yêu cầu quy định tại hồ sơ mời thầu;
Không đúng tên đơn vị thụ hưởng, tên đơn vị thụ hưởng đây là tên Bên mời thầu (xin lưu ý là Bên mời thầu chứ không phải là Chủ đầu tư).
Không có chữ ký hợp lệ;
Ký trước khi Bên mời thầu phát hành hồ sơ mời thầu;
Có kèm theo các điều kiện gây bất lợi cho Chủ đầu tư, Bên mời thầu (trong đó bao gồm cả việc không đáp ứng đủ các cam kết theo mẫu).
Bảo lãnh dự thầu ghi sai địa chỉ
Tình huống chúng tôi được nhà thầu phản ánh đó là khi cung cấp bảo lãnh dự thầu, do sơ xuất phía ngân hàng phát hành bảo lãnh đã đánh nhầm địa chỉ là: Phường Tân Phong, thành phố Lào Cai, tỉnh Lai Châu; trong khi địa chỉ chính xác của bên mời thầu phải là: Phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Từ lý do đó Bên mời thầu đã loại nhà thầu vì lý do "ghi sai địa chỉ của bên mời thầu trong đảm bảo dự thầu sẽ là điều kiện gây bất lợi cho bên mời thầu, bên mời thầu không có căn cứ xác định được việc thụ hưởng có phải của gói thầu hay không vì bảo lãnh dự thầu bảo lãnh cho một đơn vị khác cùng tên ở thành phố Lào Cai. Mặt khác nếu bảo lãnh dự thầu này được chấp nhận, sau này khi nhà thầu từ chối thương thảo hoặc từ chối ký hợp đồng, lúc đó Bên mời thầu muốn sử dụng đến thư bảo lãnh này thì sẽ được xem là không hợp lệ".
Phân tích tình huống trên, quan điểm tác giả bài viết cho rằng bên mời thầu chưa thực sự xử lý tình huống thấu tình đạt lý, bởi lẽ:
Bảo đảm dự thầu của nhà thầu tuy ghi sai địa chỉ nhưng vẫn đúng tên đơn vị thụ hưởng là bên mời thầu (không có chuyện có 1 đơn vị thụ hưởng khác cùng tên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, vì trong bảo lãnh dự thầu ghi rõ đơn vị thụ hưởng là: Ban quản lý trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Lai Châu), địa chỉ không phải là điều kiện gây bất lợi cho bên mời thầu. Bên mời thầu cần xác định mục đích đấu thầu không phải để loại nhà thầu, mà đấu thầu là để tìm ra nhà thầu đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của bên mời thầu, đáp ứng được các mục tiêu của đấu thầu nên bên mời thầu có thể xem đây là sơ suất của nhà thầu và cho phép nhà thầu đính chính lại bảo đảm dự thầu cho đúng địa chỉ của bên mời thầu.
Phân tích sâu hơn, theo quy định của pháp luật thì đơn vị thụ hưởng ở đây đúng, tên cấu thành lên đơn vị thụ hưởng không bao gồm địa chỉ của đơn vị thụ hưởng. Trong trường hợp tên đơn vị thụ hưởng chung chung, có thể ở bất cứ địa phương nào cũng có tên này thì mới dễ xảy ra chuyện nhầm lẫn, nhưng ở trường hợp này hoàn toàn không có yếu tố này.
Điều đáng tiếc hơn ở đây nữa, nhà thầu này lại chính là nhà thầu chào có giá cạnh tranh nhất so với nhà thầu còn lại, nhà thầu này chúng tôi cũng kiểm tra trên hệ thống DauThau.info thông qua gói phần mềm VIP3 cho thấy đã từng tham dự và trúng nhiều gói thầu chứng tỏ năng lực thực sự tham gia không hề "tồi". Tuy nhiên, qua bài viết này chúng tôi cũng cảnh báo các nhà thầu sắp tham dự các gói thầu rất dễ bị loại khỏi cuộc đấu thầu nếu không cẩn thận ở bước chuẩn bị bảo lãnh dự thầu. Khi nhận được bảo lãnh từ phía ngân hàng, cần đọc và rà soát lại 6 nội dung như chúng tôi liệt kê ở trên để tránh có sai sót đáng tiếc.
Bài viết trên của chúng tôi phân tích một trường hợp cụ thể về việc bảo lãnh dự thầu hợp lệ hay không hợp lệ, quan điểm xử lý của mỗi bên trước một bảo lãnh dự thầu có những sai sót nhất định. Hy vọng bài viết có ích không những cho nhà thầu mà cả bên mời thầu, tổ chuyên gia đánh giá bảo lãnh dự thầu có cái nhìn khách quan, đảm bảo công bằng mình bạch và hiệu quả kinh tế cho một cuộc thầu. DauThau.info luôn đồng hành và mang đến nhiều những thông tin bổ ích cho các nhà thầu quan tâm, trường hợp cần hỗ trợ vui lòng liên hệ:
Bài viết này của DauThau.info được cấp phép theo giấy phép dữ liệu mở Creative Commons CC-BY (cho phép sử dụng toàn quyền nhưng phải ghi công tác giả, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ ban đầu) trừ trường hợp được cấp phép riêng sẽ được ghi rõ trong tài liệu. Sử dụng lại các nguồn từ DauThau.info cần ghi rõ bản quyền!
Chào Bạn, Bạn chưa đăng nhập, vui lòng đăng nhập để sử dụng hết các chức năng dành cho thành viên.
Bạn có thể sử dụng tài khoản ở DauThau.info để đăng nhập trên DauThau.Net và ngược lại!
Nếu Bạn chưa có tài khoản thành viên, hãy đăng ký.
Việc này chỉ mất 5 phút và hoàn toàn miễn phí! Tài khoản này của bạn có thể sử dụng chung ở tất cả hệ thống của chúng tôi, bao gồm DauThau.info và DauThau.Net